Tổng quan về Khung chuẩn chung châu Âu CEFR
- Vân Lam
- Blog học tiếng Anh
- 02/07/2020
MỤC LỤC
Chắc hẳn các bạn cũng đã nghe qua cụm từ bằng anh văn A1, A2 hoặc B1. Nghe có phần hơi giống bằng lái xe nhưng thực ra đây là những cấp bậc của độ lưu loát tiếng anh theo hệ quy chiếu chung của Châu Âu (The Common European Framework of Reference).
Tổng quan về CEFR
Thang CEFR bắt đầu từ pre-A1 – nghĩa là đang chậm chững ở những cụm đơn giản như hello, goodbye – cho đến C2 – có thể coi phim không cần sub, đọc sách không cần từ điển, nói lưu loát và viết mạch lạc.
Được phát triển từ năm 1996, CEFR với hơn 20 năm nghiên cứu đã được chọn là thang đo đạc trình độ tiếng Anh rộng rãi trên toàn thế giới bởi tính chính xác cao. Tuy nhiên các cụm từ A1 hay B1 ngày nay lại ít được dùng khi nói về trình độ tiếng anh, thay vào đó các bạn sẽ có những câu như “Tui mới thi được 6.0 IELTS nè,” “Bạn tui thi được 7.5 IELTS lận đó!”, “Cháu dì được 8.0 IELTS lận á nha con!…” Vậy những band điểm như 6.0, 7.5, 8.0 có nghĩa là gì so với thang đo CEFR? Có những kỹ năng Anh ngữ nào bạn đang “nắm trong tay” khi đã đạt được những band điểm này? Có quá khó để nâng band điểm của mình lên 6.5 như thiên hạ đồn hay không?
Làm được gì với band điểm IELTS này?
BAND 4.0 – 4.5: Hội mới “nhập môn” tiếng Anh (A2)
Bạn có thể giao tiếp, cũng như nghe và hiểu được những vấn đề thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ như khi đi siêu thị bạn có thể hỏi được giá tiền, vào quán ăn thì nhìn menu cũng biết “sơ sơ” người ta bán cái chi chi trong quán…. Ở trình độ này, bạn đã có thể sử dụng được tốt những câu đơn, viết được những tin nhắn cũng như email với nội dung đơn giản.
BAND 5.0 – 5.5: Hội tiếng Anh khá giỏi (B1 – B2)
Level này cho thấy bạn không những quen thuộc với những chủ đề thường gặp mỗi ngày, mà bạn còn có thể tự tin trình bày về sở thích cũng như những nguyện vọng của bản thân với một chút sai sót về mặt ngữ pháp và cách diễn đạt. Ở trình độ 5.0 – 5.5, bạn sẽ hiểu được ý chính của những bản tin thời sự, bài báo với ngôn ngữ phổ thông và nội dung quan trọng của một bài viết tương đối mang tính học thuật.
BAND 6.0 – 6.5: Hội sử dụng tiếng anh thành thạo (B2)
Band điểm 6.0 – 6.5 là một band điểm thông dụng vì đa số các trường cao đẳng, đại học toàn cầu sẽ yêu cầu band điểm này khi chúng ta nộp xin đơn nhập học. Band điểm 6.0 – 6.5 cho thấy khả năng nghe – hiểu và phản xạ tốt đối với nhiều đề tài từ thường gặp hàng ngày cho đến những đề tài tương đối phổ thông và phức tạp hơn. Ở band điểm này, bạn không chỉ hiểu và viết được những câu phức mà bạn còn có thể hiểu kha khá các văn bản học thuật và tự mình viết được bài luận về những vấn đề quen thuộc, sử dụng đúng ngôn ngữ tiếng Anh căn bản.
BAND 7.0 – 8.0: Hội tiếng Anh “Pro” (C1)
Khi đạt đến trình độ này, tiếng Anh dường như không còn là một trở ngại với bạn nữa. Dĩ nhiên, ở band 7.0 – 8.0, nghe, nói, đọc hay viết tiếng Anh sẽ trở thành những thao tác hết sức “đời thường” với bạn, ngay cả khi bạn được yêu cầu phải trình bày về những chủ đề mình không mấy quen thuộc. Đặc biệt hơn nữa, ở level này, thông thường các bạn xem phim không cần nhìn phụ đề nhưng vẫn có thể hiểu được tương đối nhiều đó nha! Khi viết những bài luận “khó nhằn” bằng tiếng Anh cũng không còn là một việc quá khó khăn, thì những vấn đề như giao tiếp thường ngày với người bản xứ hay trình bày rõ ràng, chi tiết ý kiến của bản thân cũng chẳng gây khó dễ được cho bạn.
BAND 8.5 – 9.0: Hội tiếng Anh “Pro Max” (C2)
Đã pro, nay lại còn… pro max! – chính là định nghĩa về những bạn nào lấy được band điểm 8.5 – 9.0 IELTS. Một bật mí khá thú vị là ngay cả người Anh hay Mĩ bản xứ cũng rất khó có thể đạt được hai band điểm cao chót vót này. Điều này đồng nghĩa với việc khi sở hữu hai band điểm này, bạn hoàn toàn có thể sử dụng tiếng Anh như chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Tuyệt quá đúng không? Ở level này, bạn có thể tự hào nói rằng mình có thể sử dụng tiếng Anh một cách vô cùng tự nhiên và thành thục, hệt như một người Mĩ bản xứ rồi đó.
Liệu được band X trong Y tháng có khả thi không?
Đây là một trong những câu hỏi phổ biến nhất khi nói về band điểm IELTS, tuy nhiên ít ai có thể tự tin cho bạn được một cặp nghiệm X, Y thoải đáng. Đó là vì câu hỏi này chưa trọn vẹn, câu hỏi chỉ cho ta đích đến mà không tiết lộ chút nào về điểm bắt đầu. Cụ thể hơn, khi bạn hỏi liệu đặt được band 6.5 trong 3 tháng có khả thi không, ở đây đích đến của bạn là 6.5 nhưng không thông tin nào về điểm bắt đầu được đưa ra – tức trình độ của bạn đang nằm ở band nào. Có thể bạn đang nằm ở mức 6.0, nếu thế thì việc lên 6.5 có khi chỉ mất 2 hoặc thậm chí 1.5 tháng. Tuy nhiên nếu bạn đang nằm ở con số 2.0 3.0, tức là chỉ có thể chào hỏi cơ bản, thì việc lên 6.5 có thể tính bằng năm. Ở đây bạn chưa xác định được quãng đường cần phải đi dài bao lâu thì việc ước lượng thời gian là bất khả thi nếu không muốn nói là vô nghĩa. Vì vậy các bạn hãy xác định điểm bắt đầu của mình trước, việc này có thể thông qua các bài test online, bộ sách cambridge huyền thoại hoặc “cool” hơn là đến WESET để được làm bài test trình độ miễn phí. Sau khi đã xác định được điểm bắt đầu và vạch đích thì bạn đã phần nào bớt mơ hồ về hành trình chinh phục band điểm mơ ước của mình rồi nhé. Giờ thì chỉ còn việc đi thôi nào!