Tổng hợp FAQ livestream ngày 03/7/2021 của WESET
- Vân Lam
- Tin tức
- 12/08/2022
MỤC LỤC
Livestream với chủ đề: “Chiến lược nâng cao hiệu quả học, sẵn sàng chạy nước rút trước kì thi” là hoạt động miễn phí do WESET tổ chức nhằm giúp các bạn đổi mới và nâng cao hiệu quả ôn tập trước kì thi.
Với những chia sẻ từ thầy Tô Minh Đạt (IELTS Listening và Reading: 8.5) – Giáo viên IELTS tại WESET và sự tham đông đảo của các bạn học sinh, sinh viên, livestream đã diễn ra thành công và thu về nhiều giá trị bổ ích.
Sau đây WESET sẽ tổng hợp những nội dung chính và trả lời những câu hỏi diễn ra trong livestream vừa qua.
Các bạn có thể theo dõi lại Livestream tại đây: https://youtu.be/8WqYLJl-oY0
I. Những nội dung chính diễn ra trong livestream
1. Một số hiểu lầm thường gặp trong việc học
– Tác hại việc học “phụ thuộc cảm tính” :
Người học thường học dựa trên cảm tính của bản thân thay vì tin vào lời khuyên của khoa học học do cảm giác “thành công ảo” mà mình nhận được. Về lâu dài, họ sẽ có những chiến thuật học sai lầm ảnh hưởng đến tiến trình học của chính mình.
– Một số và một số chiến thuật học tập sai lầm:
+ Khi ôn bài : dùng chiến thuật “Đọc lại bài” thay vì“Thực hành truy hồi”
+ “Học dồn” hay “Học ngắt quãng”
+ Chỉ học một nội dung trong một thời gian dài
– Những ngộ nhận thường thấy về việc học
Lý do những ngộ nhận xuất hiện: khi một khái niệm/ thông tin về việc học bị lấy ra khỏi một nghiên cứu khoa học, đơn giản hóa và truyền tai nhau qua nhiều người. Cuối cùng thì nội dung và kết quả của bài nghiên cứu đã ít nhiều bị bóp méo và tạo nên những “hiểu lầm” “ngộ nhận” trong việc học.
– Một số ngộ nhận phổ biến mà chúng ta thường hay nghe thấy:
– Con người chỉ sử dụng 10% bộ não: một thông tin sai lệch nhưng lại thường được nhắc đến trên các trang mạng, hay thậm chí trong phim ảnh (Phim Lucy)
– Ta sẽ học tốt hơn nếu tiếp nhận thông tin theo cách yêu thích của mình (âm thanh, hình ảnh, xúc giác, …): Mọi người đều có cách học ưa thích của mình, nhưng không đồng nghĩa với nó sẽ giúp tối ưu hóa việc học của mình (chưa có bằng chứng khoa học). Ngoài ra, việc chỉ tập trung vào một cách học sẽ gây hại về lâu dài khi bạn sẽ tiếp nhận các nguồn thông tin theo những cách khác nhau khi đi học và đi học.
2. Sáu phương pháp học hiệu quả đã được khoa học chứng mình
– Phương pháp 1: Space repetition – Phương pháp ngắt quãng giữa những lần ôn tập
– Phương pháp 2: Interleaving – Phương pháp học xen kẽ những nội dung
– Phương pháp 3: Elaboration – Phương pháp liên kết nội dung học với kiến thức có sẵn
– Phương pháp 4: Concrete Example – Phương pháp tạo 1 ví dụ thực tế về nội dung học
– Phương pháp 5: Dual coding – Phương pháp kết nối nội dung học với hình ảnh
– Phương pháp 6: Retrieval Practice – Phương pháp tự truy hồi kiến thức cũ đã học
3. Cách để áp dụng các phương pháp khkoa học vào thời gian biểu của mình
– While planning schedule – Áp dụng khi lên thời gian biểu học tập: Phương pháp 1 và 2
– While learning – Áp dụng trong lúc học: Phương pháp 3, 4 và 5
– While retrieving old lesson – Áp dụng khi ôn lại bài cũ: Phương pháp 6
II. Giải đáp câu hỏi
Câu hỏi 1: Cho em hỏi cách để học và luyện nhiều từ vựng IELTS hiệu quả, và nhớ lâu?
Trả lời: Việc học từ vựng là một phần không thể thiếu trong quá trình học Tiếng Anh. Tuy nhiên, để có thể học và sử dụng hiệu quả được vốn từ vựng, bạn cần đảm bảo phải thực hiện tốt ở cả hai giai đoạn sau:
Thu nạp từ vựng:
Đây là giai đoạn mà các bạn sẽ ghi chú và học từ vựng nhằm thu nạp chúng vào bộ nhớ của mình. Có rất nhiều cách để hỗ trợ bạn ghi nhớ như: trình bày trong sổ cá nhân, liên tưởng từ vựng với hình ảnh, tạo ví dụ cụ thể, liên hệ bản thân … Hãy chú ý là khi ghi chép từ, ngoài định nghĩa ra thì chúng ta cần phải có thêm phần phát âm (pronunciation), cách kết hợp từ (collocation), và những từ khác ở chung chủ đề nữa nhé.
Liên tục luyện tập và truy xuất từ vựng:
Chúng ta khi học lại thường bỏ qua bước này, dẫn đến việc dù học rất nhiều nhưng mà quên từ cũng rất nhanh. Sau khi học xong từ vựng, bạn cần sử dụng phương pháp Spaced Repetition để liên tục ôn lại theo những quãng thời gian giãn dần (ôn bài sau 1 ngày, 3 ngày, 1 tuần, 1 tháng, …). Khi ôn, bạn cũng nên áp dụng phương pháp luyện tập truy xuất (Retrieval Practice), tức là lấy 1 tờ giấy trắng rồi cố gắng nhớ và viết mọi thứ mình đã học. Bản chất là giúp chúng ta có thể nhớ bài và sử dụng được sau này. Lưu ý là phương pháp này sẽ mất nhiều tác dụng nếu bạn xem lại bất kì tài liệu nào ngay trước khi luyện tập truy xuất nhé.
Câu hỏi 2: Làm thế nào để đối phó với peer competition?
Trả lời: Thông thường, người học có xu hướng tự so sánh thực lực bản thân với các bạn cùng lứa trong lớp, và dẫn đến việc chịu “áp lực đồng trang lứa” (peer pressure). Theo mình đánh giá thì đây là một hành động thiếu khách quan, bởi lẽ mỗi người học có một xuất phát điểm và một quá trình học hoàn toàn khác nhau từ bé, cho nên việc so sánh là không có cơ sở. Thay vào đó, bạn nên chuyển cái sự so sánh ấy về chính bản thân mình. Hãy lên một kế hoạch học tập cụ thể và nỗ lực thực hiện nó, sau đó hãy nhìn nhận về quá trình học của mình. Ai cũng có một con đường riêng, và nếu hôm nay bạn đã làm tốt hơn bản thân của ngày hôm qua, thì không việc gì mà bạn phải lo lắng cả!
Câu 3: Nếu khi học mà lỡ stress quá thì phải làm sao :
Trả lời: Cần phải đánh giá chính xác được là mình đang bị căng thẳng vì điều gì để có hướng giải quyết phụ hợp bạn nhé. Trong trường hợp:
Bạn bị căng thẳng vì “áp lực đồng trang lứa” thì hãy tham khảo nội dung trả lời của câu 2 nhé.
Bạn bị căng thẳng vì nội dung học quá khó hay vì mục tiêu thi quá cao thì bạn cần phải thực tế, và chủ động điều chỉnh lại quá trình học của mình: Chuyển sang học nội dung ở level thấp hơn (nhưng phù hợp với năng lực bản thân hơn), hạ thấp mục tiêu cho thực tế hơn, hoặc kéo dài thời gian ôn luyện ra. Hãy luôn nhớ việc học ngôn ngữ là một quá trình dài và xuyên suốt, không thể học ngày 1 ngày 2 được.
Câu 4: Mình chỉ muốn tìm hiểu các phương pháp học tiếng Anh hiệu quả (phục vụ cho nhu cầu làm việc) và cách duy trì động lực để học tập
Trả lời: Dù mục tiêu của bạn là lấy bằng IELTS hay phục vụ công việc thì bản chất của việc học tiếng Anh là không thay đổi nhé.
Bạn có thể áp dụng thêm 6 phương pháp được giới thiệu ở Workshop để tăng thêm độ hiệu quả trong quá trình học của mình nhé. Ngoài ra, nếu không có nhu cầu thi IELTS, bạn có thể thay thế thời gian luyện đề bằng việc chủ động tiếp xúc và học từ các tư liệu tiếng Anh (sách, báo, phim, …) có liên quan đến công việc của mình nhé. Mục đích lớn nhất khi học ngôn ngữ chính là áp dụng được vào cuộc sống. Vì vậy, bạn sẽ có thêm nhiều động lực một khi đã đạt đến một trình độ nhất định (trung cấp đổ lên) và hoàn toàn có thể sử dụng được Tiếng Anh trong công việc thực tế của mình nhé!
Câu 5: How to practice Ielts effectively?
Trả lời: Đây thực sự là một câu hỏi khá rộng, vì thực chất để luyện IELTS hiệu quả thì tức là phải khiến quá trình học Tiếng Anh của bạn trở nên hiệu quả trước đã. Bạn có thể tham khảo lại các phương pháp học đã được giới thiệu trong Workshop nhé!
Bổ sung thêm: Tiếng Anh bao gồm 3 thành phần chính là từ vựng, ngữ pháp, phát âm mà từ đó giúp ta thực hiện những kỹ năng ngôn ngữ như Nghe, Nói, Đọc, Viết. Để luyện thi IELTS tốt, trước tiên bạn cần tự nhìn nhận lại quá trình học của mình và xác định rõ được phần hay kỹ năng mình còn yếu. Bằng việc nhận ra và lên một kế hoạch học chi tiết để cải thiện khuyết điểm, bạn sẽ nâng cao được năng lực ngôn ngữ của mình, kéo theo đó là nâng cao điểm số trong IELTS và các kì thi Tiếng Anh khác nhé!
Câu 6: Cách cải thiện điểm phần listening?
Trả lời: Listening là một trong những kỹ năng tốn rất nhiều thời gian trước khi người học nhận thấy được sự cải thiện rõ rệt. Sau đây mình sẽ chia sẻ một số điểm giúp bạn luyện nghe tốt hơn nhé:
Cần xác định rõ tâm lý ngay từ đầu: Để tiến bộ về Listening cần một sự kiên trì lớn, nhất là với những bạn bắt đầu học trễ và trước đây gần như không tiếp xúc nhiều với tư liệu Tiếng Anh nào trước đó. Nếu chỉ mới luyện tập vài ngày mà đã cảm thấy chán nản là điều hoàn toàn không nên.
Để có thể nhận diện và xử lý được tiếng Anh, bạn cần phải một lượng tiếng Anh nạp vào đầu (input) rất lớn. Vì vậy, ngoài việc luyện nghe trên lớp, mỗi ngày hãy chủ động nghe thêm Tiếng Anh ở nhà qua phim ảnh, âm nhạc, hoặc tự kiếm tài liệu luyện thêm. Chú ý là nên chọn tài liệu đơn giản và phù hợp với trình độ của mình để nghe nhé! Việc nghe từ một nguồn quá khó và xa lạ sẽ không giúp cho bạn nhiều mà còn dễ gây chán nản nữa. (Hãy tham khảo qua cuốn “Tactics for Listening”)
Việc “nghe” có liên hệ cực kỳ mật thiết với việc “phát âm”, cho nên hãy tăng cường 2 kỹ năng này cùng lúc. Việc phát âm tốt và chính xác sẽ giúp bạn nhận diện âm thanh tốt hơn và ngược lại. Bạn có thể bắt đầu bằng việc học bảng IPA, cũng như thêm phần “phát âm” khi chép từ vựng.
Câu 7: Làm sao để học từ vựng được nhiều
Trả lời: Xem lại nội dung trả lời câu 1
Câu 8: Những cách học hiệu quả và lâu dài cho người muốn thi Ielts.
Trả lời: Xem lại nội dung trả lời câu 5
Câu 9: Làm sao để cái thiện Writing ạ?
Trả lời: Kỹ năng Writing thường sẽ bị người học e ngại nhất mỗi khi nhắc đến, do bạn hình dung việc phải tự tay viết hàng trăm từ ra giấy trong khi trong đầu chưa có gì. Lời khuyên ở đây là hãy bình tĩnh đi từng bước một và bắt đầu từ những điều cơ bản nhất, trước khi chuyển sang viết bài IELTS. Hãy chắc rằng bạn có thể:
Viết đúng từng từ: đúng chính tả, đúng nghĩa, phù hợp với ngữ cảnh,…
Viết đúng từng câu: đúng ngữ pháp; phân biệt được câu đơn, câu ghép và câu phức,…
Viết đúng từng đoạn: các ý giữa các câu trong đoạn được liên kết với nhau hợp lý; sử dụng đúng dấu câu; …
Viết đúng cả bài: Thể hiện được độ mạch lạc, gắn kết giữa các câu với câu, đoạn với đoạn; trả lời được câu hỏi của đề bài; ..
Hãy đảm bảo bạn viết tốt ở bước nhỏ trước, rồi mới hẳn chuyển sang các bước lớn hơn. Đa phần người học sẽ bắt đầu chật vật, mắc nhiều lỗi ngữ pháp ngay ở phần viết câu. Bạn có thể luyện tập bằng cách làm các bài tập hình thành câu trong cách sách Ngữ Pháp nhé! (Có thể bạn đã từng làm rồi ở thời học phổ thông, nhưng mục tiêu lúc đó chưa được rõ ràng như bây giờ). Ngoài ra, việc viết một bài văn rõ ràng, logic cũng đòi hỏi nhiều từ kỹ năng lập luận phản biện (critical thinking). Hãy luôn chủ động đọc thêm nhiều các tư liệu học thuật để tăng cường thêm kiến thức nền và khả năng tư duy nhé!
Câu 10: Làm sao để phân bổ thời gian khi làm bài thi ạ
Trả lời: Hai kỹ năng ở bài thi IELTS mà ta có thể kiểm soát được thời gian là phần Writing và Reading. Tùy thuộc vào mục tiêu của từng người, chúng ta sẽ có những cách phân bổ thời gian khác nhau nhé:
Reading: Nếu bạn đặt mục tiêu lấy ở mức 5.5 đổ xuống, bạn cần tập trung làm tốt ở hai bài đọc (trên tổng số ba bài) và thời gian phân bổ nên là 20-25p/ bài. Ngược lại, nếu bạn muốn lấy từ mức 6.0 trở lên, bạn cần phải làm được cả 3 bài đọc và thời gian phân bổ là 15-20p/ bài. Lưu ý là độ phân bổ thời gian trong thực tế có thể tăng giảm ít nhiều ở từng bài đọc, tùy vào độ khó dễ và quen thuộc của nội dung nhé.
Writing: Dù là mục tiêu nào thì mình vẫn khuyến khích bạn phải làm đủ cả hai task trong bài thi. Do task 1 chỉ chiếm ⅓ tổng điểm nên bạn chỉ được phép dành 15-20 phút để viết, còn task 2 chiếm ⅔ tổng điểm nên hãy viết trong khoảng 40-45 phút nhé!
Lưu ý khi luyện đề: Bạn không nhất thiết phải làm cả một đề Reading hay Writing vào mỗi lần luyện tập. Nếu không có nhiều thời gian, bạn hãy bấm giờ đếm ngược đúng 15 phút rồi chỉ luyện 1 bài đọc, hoặc 1 bài viết task 1 nhé! Như vậy sẽ giúp bạn quen dần với áp lực thời gian trong phòng thi hơn.
Câu 11: Cách phân chia thời gian học như nào cho hợp lí ạ?
Trả lời: Như đã giới thiệu trong buổi Workshop, bạn có thể áp dụng 2 phương pháp “Spaced Repetition” và “Interleaving” để lên kế hoạch về thời gian học của mình nhé.
Spaced Repetition: Sau khi học bài, bạn hãy lên thời gian biểu mà luôn có những quãng cách giãn dần giữa những những lần ôn tập nhé (ôn lại sau 1 ngày, 3 ngày, 1 tuần, 1 tháng). Tuy nhiên, bạn có thể điều chỉnh thời gian lại tương đối tùy thời gian biểu cá nhân.
Interleaving: Khi lên kế hoạch, bạn cũng nên xác định rõ nội dung học trong từng buổi của mình. Các nghiên cứu đã chứng minh được: ta sẽ học hiệu quả hơn nếu học xen kẽ khoảng 3 nội dung khác nhau (môn học, chủ đề, kỹ năng, …) trong cùng một buổi học, thay vì học xuyên suốt 1 nội dung trong nhiều giờ liền.
Câu 12: Cách học từ vựng hiệu quả và làm thế nào để nghe tốt ạ.
Trả lời: Xem lại nội dung trả lời câu 1 và câu 6
Hy vọng những nội dung trong Livestream và bài viết trên sẽ giúp bạn có phương pháp học tập khoa học cũng như ôn tập kiến thức hiệu quả, sẵn sàngchinh phục mọi kì thi.