Phương pháp duy trì động lực học tập

Nếu bạn đã trải qua một (hoặc nhiều) các tình huống sau:

  • Luôn “khí thế hừng hực” vào ngày đầu tiên đi học, nhưng càng về các buổi sau thì càng “xìu” xuống?
  • Miễn cưỡng đi học một môn học bắt buộc, nhưng khi nhận ra quá khó thì lại dễ buông xuôi ngay lập tức?
  • Hăng hái học tập mỗi ngày, nhưng khi phát điểm số bài kiểm tra thấp hơn mong đợi thì cảm giác như muốn “buông bỏ mọi thứ”?

Đừng quá lo lắng! Vì đây vốn là chuyện không của riêng ai cả! Đây là điều mà hầu hết bất kỳ ai cũng đều gặp phải ít nhất một lần; đặc biệt là với các bạn học sinh – sinh viên. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này nằm ở từ khoá “động lực học tập”.

Theo chương thứ 3 trong sách “How Learning Works: 7 Research-based principles for Smart Teacher” của tác giả Susan A. Ambrose và các đồng tác giả; câu chuyện về việc “mất động lực học” chưa bao giờ xảy ra một cách ngẫu nhiên, mà ẩn chứa đằng sau là những nhân tố quan trọng đã được khoa học kiểm chứng.

Trong bài viết lần này, chúng ta hãy cùng nhau điểm qua những yếu tố quan trọng nào đang ảnh hưởng đến động lực học của bạn nhé!

1/ YẾU TỐ ĐẦU TIÊN: MỤC TIÊU KHI ĐẾN LỚP (GOAL)

Bất kỳ ai khi đến lớp cũng mang theo trong mình những mục tiêu nhất định. Tác giả sách tin rằng một mục tiêu hợp lý sẽ được xem như một chiếc la bàn tốt và dẫn dắt bạn đi đúng hướng trên con đường học tập của bản thân. Vì vậy, nếu nhận thức được mục tiêu mình đang theo đuổi là gì, bạn có thể điều chỉnh hành vi học tập của bản thân theo hướng tích cực.

Trong trường hợp lý tưởng nhất, chúng ta sẽ theo đuổi mục tiêu học tập (learning goal) khi đến lớp, tức là đi học với mong muốn đạt được năng lực thật sự và hiểu được bản chất của môn học. Những ai có mục tiêu như vậy thường sẽ rất tự giác, chủ động trong việc học; từ việc không ngại nhờ giáo viên trợ giúp, dám đứng ra tập luyện thử sức, hay chấp nhận thất bại và khắc phục, ví dụ muốn cải thiện ngoại ngữ Anh thì có thể tham gia các câu lạc bộ luyện nói, chủ động tìm hiểu và đăng ký các buổi thi thử IELTS, … Tất cả những hành vi ấy chỉ để phục vụ mục đích hiểu sâu và nắm vững được môn học của mình.

Thế nhưng trong thực tế, người học chúng ta vẫn có rất nhiều mục tiêu khác nhau (mà thậm chí bản thân đang không nhận ra). Một mục tiêu mà nhiều học viên hay hướng tới trong lớp đó là việc ưu tiên “sự thể hiện” (performance goal). Ở đây, người học sẽ ưu tiên “chơi an toàn”, học tập và làm bài tập ở mức vừa đủ trong lớp để giữ hình tượng bản thân và hạn chế tối đa việc lộ ra các khuyết điểm của bản thân. Điều này có thể được xem là ảnh hưởng tiêu cực đến việc học của bản thân, do bạn sẽ khó có thể bước ra khỏi vùng an toàn để tiến bộ.

Hay một số người, khi phải theo học những môn bắt buộc hoặc trái ngành sẽ có xu hướng “né việc” (work-avoidance goal), tức là chủ ý “né” luyện tập hay làm việc trong lớp, hoặc chỉ làm hời hợt và ít khi đầu tư công sức. Ngoài ra, chúng ta thậm chí còn có thể có những mục tiêu khác liên quan đến kết nối xã hội (social goal), tức ưu tiên hàng đầu khi đến lớp là để giao lưu, trò chuyện, mở rộng các mối quan hệ với bạn bè cùng lớp.

Điều đáng lưu tâm ở đây là chúng ta có thể hướng đến một hay nhiều mục tiêu trong cùng một lúc. Nếu bạn có nhiều mục tiêu, và chúng hòa hợp với nhau, động lực học của bạn sẽ ngày một mạnh mẽ hơn. Ở chiều ngược lại, nếu bạn không có mục tiêu rõ ràng, hoặc các mục tiêu của bạn đi ngược lại tinh thần học tập chung trong lớp, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm động lực, và dẫn đến phân vân giữa việc đi học hay nghỉ học.

Ví dụ: Nếu như bạn đến lớp học IELTS vì muốn vừa nâng cao trình độ ngôn ngữ với thầy cô (có mục tiêu học tập – learning goal), vừa mở rộng thêm các mối quan hệ bạn bè (mục tiêu kết nối xã hội – social goal), động lực đến lớp của bạn sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với người đến lớp chỉ để điểm danh, hoặc vì đây là môn bắt buộc (ưu tiên việc thể hiện vừa đủ trong lớp – performance goal)

2/ YẾU TỐ THỨ HAI: GIÁ TRỊ CỦA MÔN HỌC (VALUE)

Thường khi đứng trước những mục tiêu khác nhau, chúng ta bắt buộc phải đưa ra lựa chọn dựa trên điều mà mình muốn theo đuổi nhất. Và lúc này đây, giá trị của từng mục tiêu sẽ là yếu tố then chốt giúp ta quyết định được điều đó. Tác giả của cuốn sách đã chỉ ra rằng: giá trị của một môn học bất kì có thể đến từ ba nguồn sau:

  1. Giá trị học thức (attainment value): đây là giá trị giúp bạn cảm thấy thỏa mãn sau khi đạt những thành tựu nhất định hay sở hữu được những kỹ năng mới trong môn học đó.
  2. Giá trị nội tại (intrinsic value): là cảm giác thích thú mà bạn cảm nhận được ngay trong quá trình học chứ không phải đợi đến khi có thành quả như giá trị học thức.
  3. Giá trị công cụ (instrumental value): đây là giá trị đóng vai trò bước đệm, hay là “tấm vé” giúp bạn đạt được những mục tiêu quan trọng kế tiếp, ví dụ như tiền tài, sự nghiệp, danh vọng hay những lời tán dương.

Trong trường hợp không nhìn ra được bất kỳ giá trị nào, bạn sẽ rất khó có được động lực đến lớp!

Ở chiều ngược lại, nếu có thể nhìn ra được một, hai, hay thậm chí cả ba giá trị cho việc học của mình, bạn sẽ cảm thấy được thúc đẩy hơn rất nhiều. Nếu những định nghĩa ở trên vẫn làm bạn thấy khó hiểu, vậy hãy lấy việc học Tiếng Anh của chúng ta ra làm ví dụ nhé:

Mục tiêu của đa số nhiều bạn khi đi học Tiếng Anh và luyện thi IELTS đó là số điểm 6.5 Overall, vốn là mức tối thiểu mà đa số các trường đại học nước ngoài, cao học yêu cầu bạn phải nộp để theo học. Điểm số này, khi xét theo khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung Châu Âu (CEFR), thì tương ứng với người dùng ở cấp bậc B2, vốn được chú thích như sau:

PHƯƠNG PHÁP DUY TRÌ ĐỘNG LỰC HỌC TẬP

Tạm dịch là khi ở cấp độ B2, người dùng đã đủ khả năng để hiểu và xử lý được các văn bản Tiếng Anh ở các chủ đề phức tạp, bao gồm cả lĩnh vực chuyên ngành của mình, cũng như tương tác ổn với người nước ngoài mà không gặp nhiều trở ngại; hay đủ khả năng thể hiện quan điểm cá nhân và phân tích được nhiều vấn đề khác nhau một cách chi tiết và rõ ràng.

Như vậy, một bạn A, sau thời gian dài miệt mài học tập đúng hướng, đã có thể đạt được số điểm 6.5 IELTS bằng chính thực lực của chính mình. Lúc này, bạn đã đủ năng lực ngôn ngữ để có thể làm được những điều chú thích ở trên, và cảm thấy tự hào với bản thân về điều đó. Đây chính là lúc bạn thấy rõ được giá trị học thức (attainment value) của quá trình học vừa qua của mình.

Ngoài ra, trong thời gian luyện tập với thầy cô trên lớp, bạn cảm thấy rất thích thú mỗi khi có cơ hội được nói Tiếng Anh trước lớp, hay được viết ra những quan điểm của mình. Đó là khi bạn cảm nhận được giá trị nội tại (intrinsic value) của môn học này. Cuối cùng, nhờ chứng chỉ điểm cao vừa đạt được và kiến thức chuyên ngành tốt, bạn đã trúng tuyển vào một vị trí lương cao trong một công ty lớn. Qua đó, bạn thấy rõ hơn giá trị công cụ (instrumental value) của việc học Tiếng Anh này.

Trên đây là hai trong bốn yếu tố ảnh hưởng tới Động lực học tập mà tác giả Susan đã liệt kê trong chương 3. Cùng chờ đón phần 2 sẽ được đăng tải trên website của WESET vào tuần sau nhé.

Tham khảo thêm bài mẫu và bài viết liên quan đến IELTS tại đây

Đọc thêm:

ĐĂNG KÝ XÂY DỰNG LỘ TRÌNH MIỄN PHÍ

– Cam kết IELTS đầu ra 6.5+ bằng văn bản

– Đội ngũ giáo viên có điểm IELTS trung bình từ 7.5, có chứng chỉ sư phạm/ TESOL/ CELTA

– Tư vấn và học thử miễn phí

Nhận combo quà và ưu đãi đến 3.000.000đ khi đăng ký khóa học (*)
Đăng ký nhận tin ngay hôm nay
BẠN CÓ MUỐN NHẬN NHỮNG BÀI HỌC TIẾNG ANH MIỄN PHÍ?

Bạn sẽ là người đầu tiên nhận được những bài học và tài liệu học tiếng Anh miễn phí của WESET.

Chúng tôi cam kết sẽ không gửi những nội dung không quan trọng hoặc spam.

Đăng ký: