Chiến thuật ‘siêu nhận thức’ cho việc luyện nghe tiếng Anh!
- Vân Lam
- Blog học tiếng Anh
- 27/07/2022
MỤC LỤC
Chào các bạn, lại là cô Nia đây. Hôm nay cô sẽ giới thiệu cho các bạn một chiến thuật rất bổ ích trong việc luyện nghe tiếng Anh, đó là ‘siêu nhận thức’ (metacognitive strategy).
Trong nhiều tài liệu giảng dạy và sách học tiếng Anh, listening được xem là một kỹ năng bị động (passive skill), tuy nhiên nghe hiểu (listening comprehension) lại là kỹ năng chủ động (active skill). Khi nghe hiểu, âm thanh ta đón nhận không chỉ là white noise (tiếng nhiễu), mà nó có chứa nội dung, đòi hỏi người nghe nhận thức và phân tích ý nghĩa của ngôn ngữ nói.
White noise là tiếng ồn từ nhiều loại âm thanh kết hợp với nhau. Trong cuộc sống hàng ngày, White noise được dùng để loại bỏ các tạp âm xung quanh. Trong việc nghe tiếng Anh, bài nghe (vốn có nội dung) sẽ trở thành white noise khi chúng ta nghe mà không hiểu. Việc này gây ảnh hưởng đến quá trình làm bài của học viên.
Trái ngược lại với cách nghe bị động, listening comprehension bao gồm (1) nhận thức dạng âm thanh lời nói, (2) nhận thức ý nghĩa từ / cụm từ và (3) nhận thức cú pháp được trình bày. Khi nghe hiểu, bộ não chúng ta hoạt động (active), vậy từ góc độ này, việc tiếp thu, phân tích ngôn ngữ lại diễn ra vô cùng chủ động đúng không nào?
Thuật ngữ metacognition (siêu nhận thức) đơn giản là suy nghĩ về những suy nghĩ, hay tự nhìn nhận mạnh yếu trong tư duy. Được giới thiệu bởi Flavell năm 1976, siêu nhận thức được định nghĩa cụ thể là ‘tự nhìn nhận vốn kĩ năng, chiến thuật tư duy và vận dụng thành phẩm của quá trình này để đạt một mục tiêu’. Flavell chia metacognition ra 3 dạng:
- Person knowledge (kiến thức cá nhân): tự biết về bản thân và môi trường xung quanh.
- Task knowledge (kiến thức về nhiệm vụ): tự biết về vốn kiến thức cần có để đảm nhận một bài toán/vấn đề.
- Strategy knowledge (kiến thức về chiến lược): tự biết về chiến lược nào hiệu quả để đạt mục tiêu.
Khi áp dụng vào việc nghe chủ động tiếng Anh, đặc biệt là nghe luyện IELTS, metacognition xài được qua việc (1) biết cách đoán loại từ, (2) biết tóm tắt nội dung bài nghe, (3) biết cách bám nội dung, (4) biết làm sao trả lời được câu hỏi, và (5) biết cách kiểm tra câu trả lời trước khi điền đáp án. Tuy nhiên, việc tự nhìn nhận này chưa được chú trọng trong quá trình học. Đa phần, metacognition diễn ra subconsciously (trong tiềm thức), dẫn đến việc người nghe không hiểu bài, giả vờ hiểu và sợ nghe.
Nhiều học trò đã chia sẻ: ’em nghe được tiếng Anh, nhưng em không hiểu người ta nói gì.’ Việc này bắt nguồn từ nhiều lý do, nhưng một trong những lý do chính là do người học chưa biết cách vào vị trí của một người biết lắng nghe (effective listener position). Vậy, biết cách lắng nghe tiếng Anh chính là rèn luyện cách hiểu, cách suy nghĩ, ghi nhớ và đánh giá nội dung bài nghe.
Vậy làm sao để biết cách lắng nghe?
Bây giờ, các bạn cần chuẩn bị một video tiếng Anh dài 1 đến 2 phút. Các bạn có thể nghe bài dưới đây. Bài luyện tập này có thể kéo dài 20 đến 30 phút tuỳ vào thời lượng bài nghe mà các bạn chọn:
https://www.youtube.com/watch?v=oWe_ogA5YCU
Bước 1:
Lắng nghe đoạn thoại 1 lần, tốc độ bình thường, và không take note bất kì điều gì về bài nghe.
Sau đó các bạn nghe lại 2 lần, và bắt đầu take note (lưu ý, không nên dừng bài nghe để take note nhé)
Bước 2:
Các bạn sử dụng ghi chú để tự tóm tắt lại ý chính của bài nói.
Các bạn có thể độc thoại, ghi âm hoặc truyền tải lại với một người bạn.
Bước 3:
So sánh phần ghi chú với transcript bài nghe, cố gắng phân loại các lỗi sai, sót và xác định nguyên nhân có lỗi sai đó.
Đánh giá tầm quan trọng của các lỗi với bài IELTS và với khả năng nghe hiểu của mình, rồi suy nghĩ cách tiếp cận khác với nội dung sai.
Cuối cùng, các bạn nghe lại bài test audio một lần nữa, ở lần này, các bạn tránh việc nhìn vào phần ghi chú cũ, rồi lặp lại ba bước với cách tiếp cận mới.
Các bạn tiến hành ba bước ở trên, sau khi đã hoàn thành, hãy quay lại bài viết này.
Vậy mục đích của 3 bước này là gì?
Bước đầu tiên dùng để kích hoạt sự tự nhận thức bản thân. Âm thanh lặp lại từ bài nghe đưa tín hiệu rằng đang có thông tin xuất hiện, đặt chúng ta vào vị trí nghe chủ động. Việc take note ở lần nghe thứ hai và ba giúp ‘đánh thức’ được những kiến thức, trí nhớ mà người nghe đã có về chủ đề trong bài, ‘dọn đường’ để đón nhận thông tin, phân tích bài nghe ở hai bước sau.
Ở bước hai, việc tóm tắt nội dung giúp chúng ta luận ra được thông điệp của bài nghe. Cách tiếp cận này nhằm đảm bảo listening không bị động, giúp học viên cũng như người nghe tiếng Anh nhận ra những gì ta đang làm, chủ động hơn trong việc nghe hiểu.
Ở bước thứ ba, thông qua việc đối chiếu ghi chú và transcript, chúng ta nhận ra thiếu sót trong quá trình nghe của mình. Sự khám phá này giúp người học nhận ra khoảng cách giữa những gì mình nghe được với bài nghe gốc. Qua việc này, người nghe tự đánh giá trình độ bản thân, đánh giá và nhận ra lỗi sai, từ đó phát triển kỹ năng nghe của mình.
Việc học ngôn ngữ đòi hỏi nhiều kĩ năng và tư duy hơn là việc chỉ luyện tập chăm chỉ, và đón nhận một cách bị động. Kỹ năng nghe tiếng Anh vốn dĩ phức tạp và đòi hỏi nhiều tương tác.
Cô hy vọng bài viết giúp các bạn học viên và những người theo đuổi tiếng Anh áp dụng thành công chiến thuật trong việc luyện nghe, để nghe không chỉ là một bổn phận mà còn là một hành trình tự khám phá bản thân.
Let’s turn listening from a chore into an awakening where we can find ourselves growing.
Reference:
- Zheng, J. 2018, ‘The Metacognitive Strategy in English Listening Comprehension’, Theory and Practice in Language Studies, vol.8, no.2, pp.226-231,DOI: http://dx.doi.org/10.17507/tpls.0802.07.
- Bozorgian, H. 2012, ‘Metacognitive Instruction Does Improve Listening Comprehension’, ISRN Education, vol. 2012, doi:10.5402/2012/734085
- Flavell, J. H 1976, ‘Metacognitive aspects of problem solving,’ The Nature of Intelligence, L. B. Resnick, Ed., pp. 231–236, Lawrence Erlbaum Associates, Hillsdale, NJ, USA, 1976.
(Nia Nguyễn)